Nếu hội chứng mãn kinh là nỗi lo của phụ nữ ở độ tuổi 50, thì tình trạng phì đại tiền liệt tuyến (PĐTLT) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây trăn trở cho vô số bậc mày râu, khi qua đó phát hiện mình đã không còn trai tráng.
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy PĐTLT là bệnh thường gặp ở người trước đó có cuộc sống căng thẳng, có thói quen uống không đủ nước, sinh hoạt trong môi trường ô nhiễm, dinh dưỡng đơn điệu và khiếm khuyết các thành phần chống lão hóa, lạm dụng bia rượu, chất béo động vật, chất kích thích (thuốc lá, cà phê...), có bệnh trên đường tiết niệu (đặc biệt là viêm bàng quang không điều trị đúng mức), bị rối loạn nội tiết như bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp...
Tiền liệt tuyến, thủ phạm hay nạn nhân?
Nhiều nhà điều trị vì thế đã đánh giá tiền liệt tuyến như cơ quan không chỉ giữ vai trò thụ động mà còn là thành phần “đưa đầu chịu trận” để độc tố, vi khuẩn, hóa chất... bị cầm chân ở đó, thay vì tiến thẳng vào đường tiết niệu trước khi xâm lấn toàn bộ cơ thể. Có lý do chính đáng khi kết luận như thế vì các chất ô xy hóa cũng như chất sinh ung thư rõ ràng có hàm lượng cao nhất trong tiền liệt tuyến. Đi xa hơn, nhiều nhà điều trị đặt vấn đề liệu có quá vội vã với biện pháp mổ xẻ, hay tìm cách bảo trì để tiền liệt tuyến đóng trọn vai “đứng mũi chịu sào” càng lâu càng tốt? Nhưng nếu tiền liệt tuyến vì thế mà nay viêm mai tấy do tiếp xúc với đủ loại bệnh nguyên thì sự phì đại của bộ phận này chỉ còn là vấn đề thời gian.
Từ u đến bướu, tuy gần mà xa
Bên cạnh việc gây ra nhiều triệu chứng khó chịu xoay quanh chức năng tiểu tiện như tiểu buốt, tiểu rắc, bí tiểu, tiểu ra máu... PĐTLT lại dễ làm người ta lo sợ vì tên bệnh nghe ghê quá (nghe không đã thấy... căng!) và vì thao tác khám bệnh thông thường, chẳng hạn bằng thủ thuật thăm dò hậu môn, vừa “ớn”, vừa mắc cỡ làm sao!
Nhưng trên thực tế, PĐTLT không đồng nghĩa với ung thư và biện pháp chẩn đoán ngày nay nhẹ nhàng êm ái vô cùng do có máy siêu âm, máy chụp hình cắt lát. Thêm vào đó, nhờ tiến bộ nhảy vọt trong ngành sinh hóa, chỉ cần theo dõi vài trị số xét nghiệm trong máu, nhà điều trị nào cũng có thể đánh giá mức độ ác tính của tình trạng PĐTLT.
Trên cơ sở đó, chương trình khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm bệnh lý ở tiền liệt tuyến chính là biện pháp đơn giản, ít tốn kém để người thầy thuốc can thiệp kịp thời trước khi tiền liệt tuyến thay vì chỉ trong mức độ viêm tấy và phì đại chút ít, lại trở thành miếng mồi ngon của tế bào ung thư! Quá trình từ phì đại bước sang ung bướu ác tính có thể được ngăn chặn nếu người thầy thuốc ra tay dứt khoát khi tiền liệt tuyến còn trong tình trạng viêm tấy. Ngược lại, nếu quá lơ là phòng bệnh thì sau đó ung thư tiền liệt tuyến rất khó chữa. Bởi cho dù người thầy thuốc có khéo tay cắt gọn đến mấy thì tế bào ung thư đã len lén khăn gói tản cư trước đó!
Đến với thầy thuốc, càng sớm càng tốt
Tuy vậy không quá khó để điều trị PĐTLT. Cho dù có khác biệt về phương cách áp dụng, cho dù với hóa chất tổng hợp, men kháng viêm hay hoạt chất đặc hiệu trong cây thuốc, nhà điều trị rõ ràng có nhiều hy vọng thành công khi chữa trị PĐTLT, nhưng vấn đề là làm sao cho bệnh nhân đến với người thầy thuốc càng sớm càng tốt, vì theo thống kê trên nhiều quốc gia con số quý ông chữa bệnh đàng hoàng vẫn là thiểu số. Ở VN, con số chắc chắn không thể thấp hơn nếu không muốn nói là cao hơn rất nhiều. Đó là lý do tại sao ung thư tiền liệt tuyến vẫn ngang nhiên hoành hành trên xứ mình!
BS. Lương Lễ Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét