Liệt dương có liên quan với hội chứng chân không yên

Một nghiên cứu mới đây cho thấy nam giới bị hội chứng chân không yên phải đối mặt với nguy cơ liệt dương cao hơn.

Nghiên cứu này do các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Harvard tiến hành trên nghiên cứu trước đây cho thấy: liệt dương, hoặc rối loạn cương dương, hay gặp ở nam giới lớn tuổi bị hội chứng chân không yên - các triệu chứng rối loạn giấc ngủ do hội chứng chân không yên xảy ra càng thường xuyên thì nguy cơ liệt dương càng lớn.

Trong nghiên cứu mới này, các tác giả đã xem xét hơn 11.000 nam giới độ tuổi trung bình là 64 tại thời điểm bắt đầu thử nghiệm năm 2002 và không bị liệt dương, tiểu đường hoặc viêm khớp. Những người tham gia trả lời những câu hỏi liên quan đến sức khoẻ.

Nam giới được xem là bị hội chứng chân không yên (RLS) nếu họ đáp ứng 4 tiêu chuẩn chẩn đoán RLS được khuyến cáo bởi Hội Nghiên cứu RLS Quốc tế và các triệu chứng xảy ra > 5 lần/tháng.

Các nhà nghiên cứu xác định được 1.979 trường hợp rối loạn cương dương. Nam giới bị hội chứng chân không yên dễ bị liệt dương hơn khoảng 50% so với nam giới không bị hội chứng này, ngay cả khi hiệu chỉnh về độ tuổi, cân nặng, hút thuốc, việc sử dụng thuốc chống trầm cảm hoặc các bệnh mạn tính.

Nghiên cứu cũng cho thấy nam giới bị các triệu chứng do hội chứng chân không yên tới 14 lần/tháng dễ bị rối loạn cương dương hơn 68%.

Nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội các chuyên gia về giấc ngủ ở Minneapolis.

Theo HealthDay

Thẻ Technorati: ,
Hot!

Hội chứng chân không yên

Có bao giờ bạn thấy khó chịu ở chân, phải cử động hai chân khi ngồi hay nằm không? Nếu có, có thể bạn đã bị hội chứng chân không yên.

roi loan cuong, xuat tinh som

Hội chứng chân không yên là một rối loạn ở hệ thần kinh vận động, có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào (không loại trừ trẻ em) và gặp ở nữ nhiều hơn nam.

Dù đây là một bệnh lý thường gặp (ở Mỹ tần suất là 10% trong dân chúng) nhưng lại ít được phát hiện vì bản thân người bệnh không biết mô tả các triệu chứng của mình ra sao và thường bị người khác cho là “thần kinh bị căng thẳng”.

Ngay cả một số bác sĩ đôi khi cũng xem thường các triệu chứng bệnh nhân kể ra và không nhận biết được người ấy đã bị hội chứng chân không yên. Ai bị bệnh này thì cảm giác khó chịu ở chân cứ tăng lên khi ngồi nghỉ, bị mất ngủ nhưng sau khi uống thuốc an thần lại càng mất ngủ hơn, bị trầm cảm nhưng sau khi uống thuốc chống trầm cảm thì cũng trầm cảm hơn.

Nếu bị hội chứng này, triệu chứng chung của người bệnh là ban ngày đứng ngồi không yên, cứ phải đi đi lại lại mới thấy dễ chịu, còn ban đêm thì khi lên giường chuẩn bị ngủ thì vừa nằm xuống là đã có cảm giác tê rần, nhột nhạt, nhức mỏi hai chân nên cứ phải xoay trở nhiều lần trên giường.

Không ngủ được, đôi khi người bệnh phải đứng dậy đi lại mới thấy bớt khó chịu, nhưng khi nằm ngủ lại thì cảm giác khó chịu cũng quay trở lại.

Các triệu chứng của hội chứng chân không yên ở mỗi người bệnh không giống nhau, có thể thoáng qua nhưng có khi rất nặng.

Gần 80% bệnh nhân có kèm theo hội chứng cử động chân có chu kỳ, cụ thể là những cái đá chân không tự chủ trong khi ngủ (người ngủ chung mới biết được), mỗi lần kéo dài khoảng 15-20 giây, có hôm liên tục suốt đêm khiến bệnh nhân phải thức giấc nhiều lần, giấc ngủ bị gián đoạn.

Do bị mất ngủ, hôm sau người bệnh khó tập trung vào công việc, trí nhớ kém đi, làm việc không hiệu quả và dần dần bị rơi vào trầm cảm.

Trong số các trường hợp bị hội chứng chân không yên, có thể có những trường hợp liên quan đến di truyền vì người ta nhận thấy khoảng 60% bệnh nhân có người thân đã bị bệnh tương tự. Có nhiều yếu tố có thể gây ra hội chứng chân không yên hoặc làm cho tình trạng này nặng thêm là:

- Mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, suy thận mạn, tình trạng thiếu chất sắt...

- Sử dụng lâu ngày một số loại thuốc như thuốc chống ói, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc chữa sổ mũi (có chứa chất kháng histamine), thuốc ức chế calci (khi điều trị cao huyết áp), thuốc steroid…

- Đang trong thai kỳ, nhất là trong ba tháng cuối. Thông thường các triệu chứng của hội chứng chân không yên sẽ mất đi trong vòng một tháng sau khi sinh nở.

- Lạm dụng rượu bia.

Nếu nghi ngờ mình mắc hội chứng chân không yên, bạn nên đến bác sĩ chuyên về bệnh lý giấc ngủ để được làm chẩn đoán và điều trị sớm. Bác sĩ sẽ hỏi kỹ về các triệu chứng, các thuốc bạn đang uống, tiền sử gia đình, khám tổng quát, làm một số xét nghiệm máu và đo đa ký giấc ngủ của bạn.

Hiện nay, máy đo đa ký giấc ngủ là phương tiện chẩn đoán chính xác nhất vì nó ghi nhận lại toàn bộ những sự kiện xảy ra trong giấc ngủ và phát hiện những cử động chân bất thường mà bản thân người bệnh không nhận biết được.

Trong khi chờ đợi có chẩn đoán cụ thể, bạn nên vận dụng một vài biện pháp sau đây để phần nào giảm bớt các triệu chứng:

- Cố gắng ngủ được từ sáu đến bảy giờ mỗi ngày.

- Tập thể dục đều đặn hằng ngày với cường độ vừa phải, không quá sức.

- Giảm các thực phẩm có caffeine như cà phê, nước ngọt…

- Không uống rượu và hút thuốc lá.

- Tập thiền và tập yoga để thư giãn.

- Khi có tình huống sắp phải ngồi yên trong một thời gian dài (ví dụ đi du lịch xa bằng xe hơi hay máy bay), bạn có thể áp dụng một số cách sau:

- Dùng khăn chườm nóng hay lạnh lên hai chân.

- Làm các động tác giúp giãn các cơ chân.

- Tắm nước nóng trước khi đi du lịch.

- Massage hai chân.

Được biết, những nghiên cứu y học mới đây trên thế giới đã tìm ra cách chữa trị hội chứng chân không yên hiệu quả hơn, cải thiện được các triệu chứng và giấc ngủ của người bệnh. Hy vọng rằng các bác sĩ chuyên khoa Việt Nam sẽ sớm tiếp thu được cách chữa trị mới để vận dụng đối với các bệnh nhân của mình.

Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Hot!

Dùng thuốc chống rối loạn cương thế nào cho đúng ?

Rối loạn cương dương là một bệnh có thể được điều trị khỏi nếu được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Hiện nay có ba loại thuốc uống được Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm (FDA), Mỹ chấp nhận để điều trị bệnh rối loạn cương dương là sildenafil (viagra), vardenafil (levitra) và tadalafil (cialis). Các thuốc này đã có mặt trên thị trường Việt Nam từ vài năm nay. Tuy nhiên, người bệnh vẫn còn e ngại khi có chỉ định dùng thuốc.

Rối loạn cương dương (erectile dysfunction) là tình trạng mất khả năng cương dương vật hay mất khả năng duy trì sức cương của dương vật, làm cho cuộc giao hoan của đôi bạn tình không thể bắt đầu một cách tự nhiên hay không diễn ra một cách trọn vẹn đến lúc thăng hoa như họ mong muốn, tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần gây ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý và đời sống tình dục của họ. Chính vì điều này mà dân gian thường gọi căn bệnh này là "trên bảo dưới không nghe".

Cả 3 loại thuốc chống rối loạn cương dương nói trên đều có chung một cơ chế hoạt động ức chế enzym phosphodiesterase týp 5 (PDE-5) làm cho nồng độ chất nitric oxide (NO) trong cơ thể tăng lên, chất này có tác dụng làm giãn cơ trơn.

Khi có kích thích tình dục (nghĩ, nhìn hay sờ), chất NO gây giãn cơ trơn của dương vật, đồng thời lượng máu đến dương vật nhiều làm cho dương vật cương và duy trì độ cương cứng đó cho đến khi nào hết các kích thích tình dục thì dương vật sẽ mềm trở lại. Khi không có kích thích tình dục thuốc ở trạng thái không hoạt động. Do vậy, thuốc chống rối loạn cương dương không phải là một loại thuốc kích dục như nhiều người từng nghĩ.

Điểm khác biệt chủ yếu của 3 loại thuốc này là liều dùng, thời gian thuốc bắt đầu có tác dụng và một số tác dụng không mong muốn.

Dùng thuốc thế nào cho đúng?

Cả 3 loại thuốc này được dùng chủ yếu để điều trị rối loạn cương dương.

Thuốc được dùng theo đường uống, tốt nhất là uống thuốc cùng nước đun sôi để nguội. Không nên dùng nước trái cây, các loại nước khoáng hay nước trà để uống thuốc, đặc biệt không nên ăn nho hay uống nước nho, vì nước nho làm tăng nồng độ của thuốc nên dễ dẫn đến các tác dụng không mong muốn. Ngoài ra, cũng không nên ăn những loại thức ăn có nhiều chất béo trong lúc dùng thuốc, vì chất béo làm cản trở sự hấp thu thuốc ở ruột non nên dẫn đến việc giảm tác dụng của thuốc.

Có hai cách dùng thuốc đều cho hiệu quả như nhau trong quá trình điều trị. Có thể uống thuốc theo nhu cầu nghĩa là chỉ khi nào có ý định quan hệ tình dục thì mới dùng thuốc và uống thuốc theo liều điều trị hằng ngày. Mỗi cách dùng đều có ưu, nhược điểm riêng.

Nếu dùng thuốc theo nhu cầu thì phải dùng thuốc với liều cao  mới có tác dụng, thông thường 50 - 100mg đối với sildenafil, 10 - 20mg đối với vardenafil và tadalafil. Với cách dùng này phải uống thuốc ít nhất là 45 - 60 phút trước khi cuộc giao hoan diễn ra. Do vậy, cần phải lập thời gian biểu cho "chuyện ấy". Cụ thể thời gian chờ đợi thuốc có tác dụng này là bao nhiêu phụ thuộc vào từng loại thuốc và bác sĩ điều trị sẽ là người nhắc nhở thời điểm dùng thuốc thích hợp.

Còn nếu dùng thuốc hằng ngày thì liều dùng thuốc thường thấp (25mg đối với sildenafil, 2,5mg đối với vardenafil và 5mg đối với tadalafil). Nên dùng thuốc vào thời điểm chuẩn bị đi ngủ. Ưu điểm của cách dùng này là liều thuốc thường thấp nên khả năng gặp các tác dụng không mong muốn ít hơn và bạn không cần phải lên kế hoạch trước cho "chuyện ấy", điều này phù hợp với bản chất tự nhiên và ngẫu hứng vốn có của chuyện chăn gối. 

Tuy nhiên, cách dùng thuốc như thế nào và liều thuốc ra sao, cần hỏi ý kiến bác sĩ vì chỉ có bác sĩ mới biết bạn có phải là người phù hợp để dùng thuốc hay không và liều bao nhiêu là hợp lý.

Cho dù dùng thuốc theo nhu cầu hay dùng thuốc hằng ngày cũng không bao giờ được dùng thuốc quá một lần mỗi ngày. Vì như vậy sẽ dễ dẫn đến hiện tượng quá liều thuốc và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Thời gian dùng thuốc kéo dài trong bao lâu tùy thuộc vào mức độ của bệnh và đáp ứng của cơ thể đối với thuốc. Bác sĩ sẽ là người quyết định chuyện này. Bạn đừng lo lắng khi bác sĩ đã kê đơn thuốc cho bạn dùng trong thời gian dài, vì thuốc này chỉ tác động ở ngoại vi chứ không tác động trên thần kinh trung ương nên sẽ không dẫn đến chuyện nghiện thuốc, phụ thuộc vào thuốc hay nhờn thuốc như nhiều người vẫn từng lo sợ.

Những điều cần chú ý khi dùng thuốc

Cần thông báo cho bác sĩ biết nếu như đang dùng các thuốc chứa nitrat để điều trị đau thắt ngực, các thuốc chống đông và các thuốc chẹn thụ thể alpha giao cảm để điều trị u lành tính tuyến tiền liệt và tăng huyết áp.

Khi uống những viên thuốc đầu tiên, có thể sẽ thấy hơi đau đầu, ngạt mũi, nóng bừng mặt hay đau các khớp xương hoặc tức cơ, điều này sẽ nhanh chóng qua đi khi dùng những viên thuốc tiếp theo. Nếu những lần sau mà hiện tượng này vẫn còn thì cần báo cho bác sĩ biết để bác sĩ thay đổi loại thuốc khác phù hợp hơn.

Nếu trong khi dùng thuốc mà tự nhiên thấy nhìn mờ đi hoặc ù tai thì phải ngừng thuốc và ngay lập tức báo cho bác sĩ để xác định nguyên nhân của hiện tượng này vì đôi khi có sự trùng hợp ngẫu nhiên trong khi dùng thuốc chứ không phải do tác dụng của  thuốc.

Khi dùng thuốc mà bạn thấy dương vật cứ cương mãi, cứng mãi và kèm theo là cảm giác đau tức ở dương vật ngày càng tăng thì ngay lập tức bạn phải đến các phòng khám cấp cứu ngoại khoa để khám vì có thể bạn đang bị cương đau dương vật kéo dài (priapism). Trong tình huống này, càng đến viện sớm càng tốt, tốt nhất nên đến trước 4 giờ kể từ khi có triệu chứng cương đau dương vật như trên.

Cho đến nay chưa có một nghiên cứu chính thức nào khẳng định các thuốc nói trên điếc tai, mù mắt hay chết đột ngột, do vậy không nên quá lo lắng về điều này khi có chỉ định dùng thuốc.

BS. Nguyễn Hoài Bắc (Trung tâm Nam học - Bệnh viện Việt Đức)

--------------------------------------------------------------------------------

Khuyến cáo

Thuốc chống rối loạn cương là một loại thuốc dùng để điều trị bệnh rối loạn cương dương chứ không phải là thuốc kích dục, do vậy không nên tự ý dùng thuốc.

Không nên mua các loại thuốc trôi nổi trên thị trường vì các thuốc này không rõ nguồn gốc sản xuất đôi khi sẽ gây nguy hại đến tính mạng. Nên mua thuốc tại các cửa hàng thuốc đã được cấp phép của ngành y tế.

Tốt nhất nên thực hiện các biện pháp sau đây để hạn chế khả năng bị bệnh trước khi phải nghĩ đến việc dùng thuốc:

     - Cần phải khám bệnh, theo dõi và điều trị tốt các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch.

     - Hạn chế dùng rượu và các chất kích thích như cà phê, trà...

     -Tập thể dục thường xuyên, đi bộ là một môn thể thao rất tốt cho "chuyện ấy".

     - Giảm stress, tránh lo lắng hay sợ hãi.

     - Ngủ đủ thời gian, ít nhất 7 giờ mỗi ngày.

--------------------------------------------------------------------------------

Hot!

Rối loạn cương và các phương pháp điều trị

Có rất nhiều lý do khiến cho nam giới bị rối loạn chức năng cương dương (gọi tắt là RLCNC), ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khiến không ít người lo lắng. Các nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng 50% nam giới mắc đái tháo đường (ĐTĐ) có thể mắc RLCNC hoặc mất ham muốn tình dục ở một chừng mực nào đó.

Rối loạn cương có thường gặp không?

Bệnh ĐTĐ thường có giai đoạn âm thầm rất ít triệu chứng cảnh báo. Chính vì vậy người bệnh thường được chẩn đoán muộn. Vấn đề là trong giai đoạn âm thầm đó, mặc dù đường huyết không tăng nhiều nhưng cũng đủ gây ra các biến chứng lên thần kinh và mạch máu. Điều đó giải thích tại sao nhiều bệnh nhân đã có vấn đề RLCNC ngay khi mới phát hiện mắc ĐTĐ.

Xét nghiệm đường máu định kỳ hoặc đến khám chuyên khoa nội tiết, ĐTĐ khi có triệu chứng nhẹ sẽ giúp phòng tránh bệnh được tốt.

Có điều cần lưu ý rằng mức đường huyết được coi là bình thường hiện nay là <5,6mmol/l (<100mg/dl), nhưng các mẫu trả lời kết quả ở Việt Nam vẫn ghi mức đường máu bình thường <6,4mmol/l. Điều này làm chậm chẩn đoán cho rất nhiều bệnh nhân có rối loạn chuyển hóa đường giai đoạn nhẹ - giai đoạn khá dễ dàng đưa mức đường huyết trở về bình thường chỉ bằng chế độ ăn hợp lý và tập thể dục ở mức độ vừa phải.

Điều trị bằng thuốc uống

Từ năm 1998, với sự ra đời của viên thuốc màu xanh sidenafil (viagra), việc điều trị RLCNC trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Từ đó tới nay cũng đã xuất hiện nhiều loại thuốc tương tự nhưng có công dụng tốt hơn nữa (đạt hiệu quả tới trên 50%-60% trường hợp).

Những viên thuốc này dù mang các tên khác nhau nhưng đều được gọi chung là thuốc ức chế men phosphodiesterase 5, thuốc làm cho máu đến dương vật nhiều hơn và lưu lại lâu hơn, giúp cho quá trình cương được tốt hơn. Sau khi uống độ 10 phút, thuốc có thể có tác dụng, nhưng để có hiệu quả tốt cần phải uống khoảng 60 phút trước khi muốn “yêu”. Tuy nhiên thuốc có nhiều tác dụng phụ nên phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc.

Một số lưu ý khác:

- Không uống quá 1 lần/ngày.

- Thận trọng khi dùng chung với các loại thảo dược với cùng mục đích vì có thể thảo dược đó được trộn với chính nhóm thuốc chữa cương dương của Tây y hoặc thảo dược đó làm gia tăng nồng độ thuốc Tây y đến mức nguy hại.

- Thuốc giúp cương dương nhưng không phải là thuốc kích dục. Hay nói cách khác, việc dùng thuốc sẽ giúp dương vật có thể cương lên được với điều kiện có sự kích thích trực tiếp hoặc ham muốn có sẵn trong não.

Điều trị bằng thuốc tiêm

Nếu việc dùng thuốc uống không có tác dụng, các bác sĩ có thể chuyển qua việc tư vấn cho bệnh nhân dùng thuốc tiêm thẳng vào thể cương của dương vật (bệnh nhân sẽ phải học cách tự tiêm lấy thuốc). Với phương pháp này, hiệu quả có thể đạt được 60-80% sự cương, đủ để “yêu” ở bệnh nhân ĐTĐ. Có thể dùng một trong các thuốc sau: alprostadil; (caverject); papaverine hydrochloride; phentolamine mesylate.

Một số trường hợp phải dùng phối hợp cả 3 loại thuốc trên mới đủ tác dụng. Tuy nhiên, việc phải tự tiêm thuốc rất gây phiền nhiễu nên 50% bệnh nhân bỏ dùng thuốc này sau vài năm sử dụng.

Điều trị bằng thiết bị hút chân không

Thiết bị này bao gồm một ống trụ chụp bao ngoài dương vật, chất bôi trơn có tác dụng làm khít kẽ hở giữa dương vật và ống trụ. Một chiếc bơm cơ khí hút tạo chân không trong ống trụ và giúp cho dương vật cương lên. Khi dương vật đã đạt được sự cương cần thiết, một vòng chun tròn được đặt vào gốc dương vật có tác dụng giữ không cho máu thoát ra khỏi dương vật.

Mặc dù khá đơn giản và hiệu quả đạt được có thể tới trên 80% bệnh nhân, nhưng nhiều người cũng bỏ không tiếp tục dùng sau vài năm sử dụng (có lẽ do không có cảm giác tự nhiên, không xuất tinh được vì có vòng chun siết chặt).

Điều trị bằng thuốc đặt vào niệu đạo

Nhiều bệnh nhân không muốn tiêm thuốc vào dương vật vì đau và bất tiện có thể lựa chọn phương pháp đưa thuốc kích thích cương dương vật (alprostadil) được tẩm vào viên đặt để đưa vào trong niệu đạo. Chế phẩm này tên có hiệu quả cho khoảng 65% bệnh nhân. Tác dụng phụ gặp nhiều nhất là đau dương vật trong khoảng 11% số trường hợp sử dụng.

Điều trị bằng phẫu thuật

Điều trị RLCNC bằng phẫu thuật đặt thiết bị hỗ trợ cương nhân tạo. Nếu như bệnh nhân không đáp ứng với bất cứ phương pháp nào kể trên, có thể dùng đến biện pháp cấy vào trong dương vật một thiết bị tạo cương (gọi là dương vật giả). Bệnh nhân cần được biết rằng cảm giác cương không giống như bình thường, sau khi cấy dương vật giả phải kiêng chuyện “yêu” 4-6 tuần. Thiết bị cấy vào có thể không đạt hiệu quả như ý muốn và có thể nhiễm khuẩn bắt buộc phải phẫu thuật tháo bỏ.

ThS.BS. Nguyễn Huy Cường

Hot!

Rối loạn cương, dấu hiệu của bệnh tim mạch?

Hiện nay người ta có nhiều cơ sở khoa học chứng minh rằng rối loạn cương  dương không chỉ là vấn đề tình dục, mà còn là triệu chứng chỉ điểm của bệnh tim mạch. Điều trị rối loạn  cương  dương có tác dụng phòng ngừa bệnh tim mạch.

Bệnh tim mạch gây rối loạn cương?

Nếu như trước đây hầu hết các trường hợp rối loạn cương dương  đều được quy cho các bệnh lý tâm thần, tình dục thì hiện nay  các nghiên cứu đã cho thấy sự liên hệ giữa rối loạn cương dương và các bệnh tim mạch. Các yếu tố như tuổi tác, tăng huyết áp, tiểu đường,  tăng cholesterol máu, nồng độ HDL-cholesterol trong máu hạ, nghiện thuốc lá đều ảnh hưởng đến khả năng cương.

Mối liên hệ giữa rối loạn cương dương  và các bệnh tim mạch là rối loạn nội mô. Bình thường nội mô điều hòa các chức năng sinh lý như trương lực mạch máu, khả năng kết dính tiểu cầu, sự đông máu, phản ứng viêm, tính thấm tế bào. Nội mô điều khiển việc tiết các chất trung gian tại chỗ để điều hòa sự tưới máu cho mô một cách thích đáng. Chất oxyde nitrique (NO) là một trong những chất trung gian quan trọng nhất có một vai trò chống vữa xơ động mạch do tác dụng giãn mạch mạnh và  ức chế sự dính kết tiểu cầu. Đối với dương vật, NO có một vai trò sinh lý quan trọng làm  giãn mạch máu và gây cương cứng. Vì vậy, một khi cơ thể sản xuất không đầy đủ NO hoặc hoạt tính bị giảm sẽ gây rối loạn cương dương  và những bệnh lý tim mạch.

Người ta nghiên cứu chức năng nội mô bằng cách đo sự giãn của các động mạch cánh tay nhờ máy đo huyết áp. Sự đáp ứng động mạch đối với sự thiếu máu tạm thời gây nên một sự giãn mạch thứ phát. Những bệnh nhân bất lực nhưng không có yếu tố nguy cơ tim mạch cũng như các triệu chứng tim mạch, phần lớn đều có một thiếu sót trong sự giãn của những động mạch cánh tay. Tương tự, việc định lượng chất CRP- chỉ dấu của tổn thương nội mô cũng cho thấy: chất CRP tăng cao ở bệnh nhân bất lực mà không có những biểu hiện tim mạch. Loạn năng nội mô là nguyên nhân gây ra chứng vữa xơ động mạch, do đó loạn năng cương là một dấu hiệu sớm của bệnh mạch máu nhưng chưa có triệu chứng. 

Một công trình nghiên cứu đã so sánh hai nhóm : nhóm một là 70 bệnh nhân rối loạn cương dương  nhưng không có tiền sử về các bệnh tim mạch; nhóm hai là 73 người lành mạnh. Kết quả cho thấy nhóm một có nồng độ chất CRP trong máu tăng cao, giảm giãn mạch của động mạch cánh tay, bị vôi hóa động mạch vành nhiều hơn so với nhóm hai. Qua đó các nhà nghiên cứu đưa đến kết luận rằng: chứng rối loạn cương dương là dấu hiệu báo trước bệnh tim mạch chưa được biểu hiện bằng những triệu chứng lâm sàng; bệnh tim mạch trầm trọng hơn ở những người bị rối loạn cương dương.

Trong công trình nghiên cứu khác, thực hiện trên 300 bệnh nhân có các bệnh tim mạch, cho thấy hầu hết những bệnh nhân này có bị rối loạn cương dương trước 3 năm rồi mới xuất hiện triệu chứng đầu tiên của một bệnh lý tim mạch. Mặt khác chứng rối loạn cương dương càng nặng khi số các động mạch vành bị hẹp càng nhiều.

Tại sao rối loạn cương lại biểu hiện sớm nhất ở bệnh tim mạch?

Sở dĩ chứng rối loạn cương biểu hiện sớm hơn là do "cỡ động mạch" của dương vật nhỏ hơn động mạch vành. Các động mạch dương vật có đường kính chỉ nhỏ hơn 1-2mm, trong khi các động mạch vành đường kính 3-4mm, đường kính động mạch cảnh 5-7mm. Vì vậy một mảng vữa xơ động mạch sẽ gây nên mức độ tắc khác nhau ở các cơ quan tùy theo đường kính của động mạch bị thương tổn tại cơ quan đó. Theo đó sự giảm luồng máu trong một động mạch nhỏ sẽ có triệu chứng lâm sàng sớm hơn trong một động mạch lớn (sẽ còn im lặng chưa có triệu chứng). Các nhà khoa học ước tính rằng phải giảm khoảng 40% đường kính động mạch thì các triệu chứng mới được thể hiện. Vì lẽ đó sự bất lực tình dục biểu hiện trước một thời gian khá dài so với nhồi máu cơ tim hay một tai biến mạch máu não.

Thái độ xử lý đúng với một bệnh nhân rối loạn cương 

Những người đàn ông đến khám vì bị chứng rối loạn cương phải được thăm dò một cách hệ thống để tìm kiếm những yếu tố nguy cơ tim mạch, nhất là bệnh đái tháo đường và những dấu hiệu của bệnh tim mạch đi kèm. Họ cần phải được điều trị phòng ngừa để tránh những tai biến mạch máu nghiêm trọng gây tàn phế hoặc tử vong như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Những công trình nghiên cứu trên động vật đã cho thấy rằng việc sử dụng hàng ngày các thuốc inhibiteur de PDE5, có thể phục hồi chức năng nội mô. Những bệnh nhân được điều trị bởi các thuốc inhibiteur de PDE5 để cái thiện chức năng cương ít bị nhồi máu cơ tim hơn so với bệnh nhân không được điều trị.

BS. Phạm Phú Vinh

Một nghiên cứu cho thấy: tỷ lệ người bị rối loạn dương cương từ 19% - 52% và tăng dần theotuổi tác. Trên thế giới có gần 150 triệu người bị bệnh, trong đó Mỹ có 30 triệu người.

Tỷ lệ rối loạn cương tăng 1,5 lần ở người tăng huyết áp, tăng gấp đôi ở người có tăng cholesterol máu hay nghiện thuốc lá, tăng gấp 3 ở bệnh nhân tiểu đường, chiếm 44%-65% ở bệnh động mạch vành, 86% ở bệnh nhân vữa xơ động mạch, và tỷ lệ này là 87% ở bệnh nhân bị bệnh động mạch ngoại biên.

 

Hot!

Rối loạn cương điều trị thế nào?

Rối loạn cương là tình trạng không có khả năng đạt được và duy trì sự cương dương vật cho một cuộc giao hợp bình thường, và tình trạng này kéo dài ít nhất 3 tháng. Bệnh có nhiều nguyên nhân gây ra nên cũng có nhiều phương thức điều trị.

Nếu chẩn đoán xác định nguyên nhân bệnh đúng và áp dụng phương thức điều trị thích hợp, tỷ lệ chữa khỏi rối loạn cương là 95%. Các bác sĩ thường lưu ý các yếu tố có thể dẫn đến rối loạn cương sau:

- Nội tiết: Giảm sự tiết hoóc môn sinh dục nam testosterone.

- Chấn thương: Chấn thương thần kinh (tổn thương cột sống, thoái hóa dây thần kinh), chấn thương do phẫu thuật (mổ tuyến tiền liệt, ruột kết, trực tràng).

- Bệnh tật: Gồm bệnh tim mạch với tăng huyết áp, xơ vữa động mạch; bệnh đái tháo đường type 1 và 2, bệnh gan đưa đến suy gan.

- Lối sống: Nghiện rượu, nghiện thuốc lá, nghiện ma túy…

- Thuốc men: Thuốc trị tăng huyết áp, chống trầm cảm, trị loét dạ dày... có thể gây rối loạn cương.

Trong đa số trường hợp rối loạn cương, các rối loạn thể chất đã làm cho máu không chảy dồn đến dương vật, hoặc không tạo được sự xung động dẫn truyền thần kinh để tạo cương. Nguyên nhân tâm lý chỉ chiếm 10-20%; nhưng các trường hợp bất lực do rối loạn thể chất đều gắn liền với sự bất ổn về tâm lý (trầm cảm, lo âu, xuống tinh thần). Vì vậy, liệu pháp tâm lý luôn luôn được đề cao trong điều trị.

Các phương thức điều trị rối loạn cương từ trước đến nay:

Liệu pháp tâm lý: Dù rối loạn cương có nguyên nhân thể chất, người bệnh cũng cần được điều trị bằng tâm lý. Bác sĩ sẽ giúp họ nhận biết, hiểu rõ stress, đối phó và giảm thiểu sự lo âu đã ảnh hưởng đến hoạt động tình dục.

Cấy ghép vào trong dương vật: Bác sĩ cấy ghép một dụng cụ y khoa đặc biệt chứa đầy nước muối sinh lý vào bên trong dương vật để khi cần sẽ tạo sự cương cứng. Đây là phương thức trị liệu khiến nhiều bệnh nhân hài lòng.

Dùng thiết bị chân không: Theo Sức Khỏe & Đời Sống, khi cần hành sự, người nam sẽ tròng thiết bị bao lấy dương vật và bơm không khí ra để tạo chân không, chân không sẽ rút máu chạy vào dương vật và tạo sự cương. Để duy trì sự cương, một sợi dây thun sẽ được quấn quanh gốc dương vật để giữ máu lại. Khi hành sự xong, sợi dây thun sẽ được tháo ra khỏi gốc dương vật để máu chảy thoát ra.

Dùng thuốc uống: Hiện nay có nhóm thuốc ức chế PDE-5, gây giãn mạch, làm tăng lưu lượng máu đến dương vật. Thuốc đầu tiên của nhóm là Viagra, nay có thêm Levitra và Cialis. Cialis là thuốc mới được cho phép sử dụng tại nhiều nước, có lợi điểm là thời gian tác dụng kéo dài đến 36 tiếng, giúp người sử dụng không bận tâm “lên lịch”, có thể chọn thời điểm quan hệ tình dục bất cứ vào lúc nào trong khoảng 36 giờ sau khi uống thuốc.

Tiêm thuốc: Người nam được hướng dẫn tiêm thuốc giãn mạch vào cạnh dương vật làm mạch máu giãn ra, máu dồn đến tạo sự cương. Liệu pháp này có nguy cơ cao gây “cương đau vĩnh viễn” (priapism), phải mổ cấp cứu.

Nhét thuốc vào niệu đạo: Một viên thuốc có kích cỡ thích hợp được nhét vào niệu đạo khi hành sự, có tác dụng làm giãn mạch, tạo sự cương (tác dụng cũng giống như tiêm thuốc nhưng không cần bơm kim tiêm).

Trong điều trị rối loạn cương, các bác sĩ tiến hành tuần tự các bước sau:

Bước 1: Khám, chẩn đoán bệnh. Do rối loạn cương có nhiều nguyên nhân nên bác sĩ sẽ tiến hành khám toàn diện và cho làm nhiều xét nghiệm khác nhau, thậm chí làm xét nghiệm về các khó khăn tâm lý.

Bước 2: Thay đổi lối sống. Trước và trong khi thực hiện một phương thức điều trị rối loạn cương, bác sĩ sẽ đưa ra khuyến cáo về thay đổi lối sống như tập thể dục, ăn kiêng (để giảm lipid máu, giảm cân…), bỏ hút thuốc lá, giảm uống rượu, tập thư giãn dưỡng sinh.

Bước 3: Tư vấn tâm lý. Trong khi được khám bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp người bệnh nhận ra, hiểu rõ và đối phó với những lo lắng, khó khăn về mặt tâm lý ảnh hưởng đến hoạt động tình dục. Người ta ghi nhận bạn tình nữ đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị. Vì vậy, cả hai người nên có mặt trong các buổi khám chữa bệnh và hợp tác tốt với bác sĩ trong quá trình điều trị.

Bước 4: Chọn lựa và thực hiện phương thức điều trị được chọn. Phương thức dễ được chọn nhất là dùng thuốc viên uống vì rất tiện lợi.

Bước 5: Theo dõi và đánh giá việc điều trị. Sau một khoảng thời gian (thường là một tháng), người bệnh được tái khám để xem có tiến triển tốt hay không. Có khi phải thay đổi phương thức điều trị, thay đổi liều thuốc. Ở một số nước, có khi bác sĩ phải nhờ một số nhà chuyên khoa khác hợp tác để giải quyết khó khăn. Chẳng hạn, chuyên gia nội tiết học được mời để giúp đỡ người bệnh khó kiểm soát bệnh tiểu đường hay bị teo tuyến sinh dục. Chuyên gia niệu học và tình dục học được mời tư vấn tình trạng rối loạn cương phức tạp.

Nguồn: vnexpress

Hot!

Bí kíp giúp nam giới tránh khỏi thất bại khi “yêu”

Bất lực, rối loạn cương dương (yếu sinh lý, xuất tinh sớm, liệt dương)...  là những nỗi ám ảnh của cánh mày râu! Dưới đây là 9 bí kíp giúp nam giới luôn tự tin vào “sức chiến đấu” của chính mình!

1314152387_5

Theo dõi huyết áp

15-17% đàn ông bị cao huyết áp gặp phải khó khăn khi “yêu” Nguyên nhân là do cao huyết áp làm suy yếu các động mạch, khiến thành động mạch trở nên dày và cứng. Chính vì thế, máu chậm lưu thông đến “cậu nhỏ” dẫn đến chứng bệnh khó cương cứng.

Lời khuyên: Bệnh nhân mắc chứng cao huyết áp muốn tăng cường chức năng tình dục, giữ lửa cho “chuyện ấy” cần áp dụng một chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh, thường xuyên luyện tập để cơ thể được dẻo dai, tăng cường thể lực. Thêm vào đó cần nói không với thuốc lá; kiêng những đồ ăn nhiều chất béo, mỡ; không sử dụng lượng muối quá lớn trong ăn uống.

Tránh xa “bụng to”

Để không rơi vào những tình huống “dở khóc dở cười” khi “yêu”, hãy theo dõi thường xuyên kích thước vòng bụng. Theo một nghiên cứu khoa học được thực hiện trên 268 người đàn ông vào năm 2006 đã chứng minh rằng 74% nam giới mắc hội chứng chuyển hóa (rối loạn chuyển hóa của cơ thể) cũng bị rối loạn chức năng cương dương. Nguyên nhân là do hội chứng chuyển hóa làm gián đoạn hoạt động của các hóc môn tình dục nam.

Lời khuyên: Để tránh hội chứng chuyển hóa, cần biết rằng hội chứng này đến từ 5 tiêu chí:

- Béo trung tâm: Béo bụng (vòng bụng trên 90cm đàn ông, trên 80cm phụ nữ châu Á).

- Tăng huyết áp trên 130/85mnHg.

- Đường huyết lúc nhịn đói qua đêm: ≥¬ 110mg% (6.1mmol/L).

- HDL Cholesterol: Nam < 40mg%, nữ < 50mg%.

- Triglycerids: ≥ 150mg%.

Nếu bạn găp phải 3 trong số 5 tiêu chí này, hãy cẩn thận!

Yêu thường xuyên

Càng chăm “yêu”, càng tránh được những sự cố khi “lâm trận”. Bởi vì “yêu” thường xuyên giúp cho các động mạch và dây thần kinh tham gia vào quá trình cương cứng được luyện tập.

Lời khuyên: Không có số lần “yêu” lý tưởng để phòng tránh được các sự cố. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu ở Phần Lan đối với 989 nam giới từ 55-75 tuổi, bác sĩ Juha Koskimaki đã chứng minh được rằng “yêu” dưới một 1 lần/tuần tăng nguy cơ rối loạn chức năng cương cứng gấp 2 lần. Tốt nhất là nên có ít nhất từ 1-2 lần “yêu” trong một tuần.

Cảnh giác cholesterol

“Chuyện ấy” cũng trở nên khó khăn hơn với người có cholesterol cao. Cholesterol cao gây ra cặn lắng ở thành các động mạch, làm cho các thành động mạch hẹp đi, khiến máu lưu thông đặc và nhớt hơn. Khi máu “chảy” đến “cậu nhỏ”, sự phân bố các mạch kém đi rất nhiều, cơ chế cương cứng vì thế bị rối loạn... và nguy cơ gặp trục trặc “yêu” khó tránh khỏi. 

Lời khuyên: Hãy tạo cho bản thân chế độ ăn uống cân bằng, không quá nhiều đường và chất béo (nhất là chất béo trans). Ăn nhiều hoa quả và rau xanh mỗi ngày! Vận động thường xuyên, luyện tập thể dục thể thao đều đặn để tránh bị thừa cholesterol.

Bỏ qua “khúc dạo đầu”

“Khúc dạo đầu” làm tăng thêm sự hưng phấn khi “yêu” nhưng có những trường hợp bất khả kháng phải bỏ qua nó. Nếu như “cậu nhỏ” nhanh chóng “chào cờ” và cương cứng ngay sau những vuốt ve đầu tiên, nam giới cần tận dụng điều đó để tránh “xuất binh” khi chưa kịp “xung trận”. Tuy vậy, cũng không nên bỏ qua những vuốt ve nhẹ nhàng và nụ hôn tới đối phương trước và sau khi “xung trận”.

Lời khuyên: “Yêu” không có khúc dạo đầu chỉ nên là giải pháp tạm thời chứ không nên trở thành một thói quen vì phụ nữ sẽ bị thiệt thòi vì điều đó (sự bôi trơn âm đạo có thể chưa đủ để đón nhận “cậu nhỏ” nên khi quan hệ có thế bị rát hay đau đớn). Tốt nhất với những “cậu nhỏ” sớm “xuất binh”, hai người nên có sự trao đổi để tìm ra phương án khiến đôi bên cùng hài lòng. Đừng vì để thỏa mãn một người mà người kia phải ấm ức, khó chịu một mình!

Uống rượu với liều lượng vừa phải

Để tránh làm hỏng “cuộc yêu”, đừng uống rượu ! Vì rượu phá hỏng các mạch máu, dây thần kinh giữ vai trò cương cứng “cậu nhỏ” và kích thích quá trình giải phóng “tinh binh”. 

Nếu uống một chút rượu trước khi bắt đầu “chuyện ấy”, có thể tăng hưng phấn nhưng nếu uống quá nhiều rượu chỉ khiến bạn lăn ra ngủ và quên đi người bạn tình đang nằm bên cạnh mà thôi.

Lời khuyên: Lý tưởng nhất là không uống rượu. Nếu không, phải hạn chế mức tiêu thụ rượu, tối đa là 3 ly/ngày.

Chú ý tỉ lệ đường trong máu

Quá nhiều đường trong máu tăng nguy cơ thất bại trong các “cuộc yêu”, nhất là với những bệnh nhân tiểu đường. Đường máu cao thường đi kèm theo chứng xơ vữa động mạch. Máu lưu thông kém tới “cậu nhỏ” và không đủ để “cương cứng”. Hơn nữa, tiểu đường còn làm hỏng chức năng của các dây thần kinh ở dương vật, vì thế cũng ngăn cản sự cương cứng.

Lời khuyên: Để tránh có quá nhiều đường trong máu, hãy theo dõi chế độ ăn uống. Trong trường hợp bị tiểu đường, cần phải cân bằng tỉ lệ đường huyết, nghĩa là tỉ lệ đường máu không quá cao cũng không quá thấp.

Hãy thư giãn

Những ám ảnh về tình dục trước đây như “yêu” kém, “lần đầu tiên”... có thể khiến bạn sợ hãi, căng thẳng và vô tình làm hỏng các lần yêu tiếp theo. 

Lời khuyên: Cần tạo sự thông cảm, giúp đỡ giữa hai người với nhau!

Cai thuốc lá

Theo Cơ quan y tế của Pháp, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ rối loạn chức năng cương dương lên tới 1,3-1,7 lần nên sẽ khiến cho “chuyện ấy” thất bại. Đây chính là nguyên nhân đầu tiên gây ra chứng bất lực.

Nicotine bịt kín các động mạch và cản trở sự cương cứng. Hút liên tục 2 điếu thuốc giảm 1/3 lưu lượng máu lưu thông tới “cậu nhỏ”.

Lời khuyên: Hãy cai thuốc lá!

Bs. Mai Bá Tiến Dũng

Hot!
hostgator coupon